Thiếu hụt vitamin A là một vấn đề phổ biến ở những quốc gia đang phát triển, trong đó đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Thiếu vitamin A làm giảm tăng trưởng cả về thể lực lẫn trí tuệ, làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn và tăng nguy cơ tử vong ở trẻ. Trẻ thiếu vitamin A sẽ kém phát triển, có thể bị mắc bệnh khô mắt và nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả mù lòa vĩnh viễn.
Vì vậy, việc cho bé dưới 36 tháng uống bổ sung vitamin A là thật sự cần thiết. Ở lứa tuổi này trẻ có nhiều nguy cơ thiếu vitamin A bởi nhiều nguyên nhân:
- Trẻ em thường kén chọn, không thích ăn những thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, khoai lang, rau cải bó xôi, ớt chuông đỏ, xoài, bông cải xanh, … vốn giàu vitamin A.
- Nhiều trẻ mới biết ăn cơm có thói quen chỉ ăn cơm chan cùng nước canh, không thích nhai thịt, cá, rau củ, gan, nên bữa ăn mất cân bằng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin A.
Đảm bảo dinh dưỡng để bé yêu luôn khỏe mạnh. Ảnh: Internet
- Ở nước ta, tình trạng thiếu vitamin A thường bắt đầu trong giai đoạn sơ sinh, khi chế độ ăn của mẹ thiếu vitamin A khiến trẻ không nhận được đủ lượng từ sữa mẹ.
- Cách chế biến không đúng cách, chẳng hạn: ngâm rau quá lâu, nấu quá kỹ làm mất bớt chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin A.
- Ngoài ra, vitamin A không tan trong nước mà chỉ tan trong dầu do đó, nếu bữa ăn của bé thiếu chất béo thì cơ thể sẽ khó chuyển hóa và đưa vitamin A tới các cơ quan bộ phận.
Để cải thiện tình hình thiếu hụt vitamin A, các mẹ có con dưới 36 tháng nhớ đưa bé tới các trung tâm y tế phường xã để uống bổ sung vitamin A. Bên cạnh đó, các mẹ cần tăng cường vitamin A thông qua bữa ăn cho trẻ. Nếu mẹ đang cho con bú thì cần ăn đủ 4 nhóm thực phẩm. Khi trẻ ăn dặm cần cho trẻ ăn thực phẩm giàu vitamin và chất béo vì đây là dung môi quan trọng để cơ thể trẻ hòa tan thực phẩm. Chỉ cần cho 1 muỗng cà phê dầu ăn vào bát cháo/ bột vừa chín là đảm bảo lượng chất béo cho trẻ rồi.