Sau khi bé ra đời, có những điều thay đổi đột ngột về cả chính bản thân bạn và bé. Đôi khi chính bạn cũng không thể hiểu hết được những hiện tượng thay đổi “kỳ lạ” ấy.
Sao bụng mình vẫn như đang mang thai 7 tháng
Bạn vừa mới sinh xong cơ mà. Sau sinh, ngay cả với những phụ nữ mảnh mai thì cơ thể vẫn đồ sộ, nhất là phần bụng vẫn giống như khi mang thai 7 tháng. Phần lớn sẽ trở về trạng thái bình thường rất nhanh. Tuy nhiên không ít bà mẹ phải mất đúng bằng thời gian mang thai, khoảng gần một năm, cơ thể mới trở về trạng thái ban đầu.
Thế nhưng, không phải tự nhiên người ta lại bảo: “Gái một con trông mòn con mắt”. Kế hoạch dinh dưỡng hợp lý, chăm chỉ tập thể dục, mặc áo gọng kể cả khi cho con bú, chịu khó đeo gen nịt bụng mỗi đêm, tập bụng cùng con,… là những bí kíp của các mẹ sau sinh truyền tai nhau để lấy lại vóc dáng đẹp hơn cả thời con gái. Xem thêm tại tổng hợp bí kíp lấy lại thân hình đồng hồ cát lý tưởng sau sinh.
Táo bón hoặc khó đại tiện
Nhiều người mẹ sau sinh phải nằm lại bệnh viện lâu hơn vì mắc bệnh táo bón trầm trọng. Hiện tượng này chủ yếu do chức năng tiêu hóa bị suy giảm, dạ dày co bóp yếu và thức ăn đọng lại lâu hơn. Bên cạnh đó, vòng cơ xương chậu bị tổn thương khi sinh nên lực co bóp không đủ để đẩy chất thải ra ngoài. Một lý do khác là do chế độ ăn uống thiếu cân bằng, nhất là thiếu chất xơ và ít vận động do đau đớn sau sinh gây ra.
Con bạn trông không được như mong đợi
Bạn rất vui mừng khi chào đón bé yêu. Song cũng có mẹ phải mất hàng tiếng tới vài ngày mới quen với “sản phẩm” của mình. Có thể vì hình dáng của đứa trẻ không được như mong muốn, hoặc do hormone cơ thể thay đổi khiến mẹ cảm thấy thất vọng. Thậm chí nhiều chị em còn xuất hiện chứng trầm cảm sau sinh.
Nuôi con bằng sữa mẹ không đơn giản như bạn vẫn nghĩ
Bạn nghĩ sinh con ra thì phải nuôi con bằng sữa mẹ, đó là một quy luật tất yếu. Nhưng hiện nay, các bà mẹ rất ngại cho con bú. Trừ những trường hợp mất sữa, nhiều mẹ không muốn nuôi con bằng sữa mẹ vì sợ con sẽ đeo mẹ hoặc sợ bị xấu đi. Song đây là thiên chức của người mẹ, là bổn phận mà mỗi phụ nữ nên làm. Cho con bú có lợi cho cả mẹ và bé, bé được hưởng nguồn dinh dưỡng quý giá, còn mẹ thì có khả năng giảm nguy cơ ung thư vú.
Để sữa mẹ đạt chất lượng tốt nhất, mẹ nên chú ý thực đơn ăn uống của mình ngay từ những ngày còn mang thai. Đó chính là khoảng thời gian tốt nhất để mẹ tạo ra nguồn sữa tốt và đủ chất cho bé sau này. Tham khảo ngay danh sách những thực phẩm giúp mẹ chuẩn bị nguồn sữa tốt nhất cho bé yêu mẹ nhé.
Bao nhiêu lời “tư vấn” khiến bạn rối tung
Những cặp vợ chồng mới sinh con thường được mọi người xung quanh mách bảo, tư vấn về bí quyết làm cha mẹ một cách rất kỹ lưỡng. Bạn phải nuôi con thế nào, cho bú sữa mẹ ra sao, chăm sóc con ốm đau… đôi khi những luồng thông tin này làm bạn khó chịu và quá tải. Song hãy tiếp nhận một cách vui vẻ và cứ chăm con thật tốt với những kiến thức bạn học được.
Sau sinh, bao nhiêu lời tư vấn khiến bạn rối tung. Ảnh: Internet
Giấc ngủ quả là hiếm hoi
Bé con ra đời, bạn hầu như phải thức liên tục theo giờ giấc “tréo ngoe” của bé. Theo những gì bạn được đọc, bạn phải tranh thủ ngủ cùng em bé bất cứ khi nào có thể. Song việc này không hề dễ dàng, bởi hàng trăm việc không tên đang rình rập chờ bạn. Bạn cần yêu cầu sự giúp đỡ từ chồng, người thân trong việc chăm sóc bé để bạn có thời gian ngủ bù.
Những sự so sánh khiến bạn suy nghĩ
“Sao con cháu ốm thế, chẳng bù cho con nhà chị A hàng xóm. Bằng tuổi này mà nó bụ bẫm lắm”. Những lời so sánh con mình với con chị A, B, C thường khiến bạn suy nghĩ rồi lo lắng. Theo chuyên gia, những trăn trở của người mẹ về sức khỏe của bé nên được tư vấn bởi bác sĩ, chứ đừng quá tin vào những lời “tám chuyện” bên lề. Mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh riêng, kể cả hình hài, sức khỏe và nhiều yếu tố khách quan tác động khác.
Đứa con trở thành niềm tin lớn nhất của bạn
Sau sinh, bạn trở thành “gà mái mẹ” đúng nghĩa, sẵn sàng xù lông để bảo vệ đứa con của mình. Bạn có thể đánh mất tài sản quý giá khác chứ không để mất con. Con bạn chính là niềm tin và hy vọng lớn nhất đời bạn.
Sau sinh, đứa con trở thành niềm tin lớn nhất của mẹ. Ảnh: Internet
Khác xa giữa thực tế và lý thuyết
Bạn đã đọc rất nhiều tài liệu về nuôi con trước khi sinh, nhưng giữa thực tế và lý thuyết luôn có một khoảng cách xa. Ví dụ, việc tranh thủ ngủ ban ngày, nhờ chồng bế con khi khóc hay nuôi con bằng sữa mẹ toàn là những điều sách dạy rất hay, nhưng thực tế lại trái ngược. Bạn cần biết rằng, sách vở chỉ cung cấp những điều cơ bản, còn kỹ năng thực hiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể áp dụng một cách máy móc. Vả lại, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai.
Ngắm con ngủ hàng giờ
Bạn bỏ hàng giờ để ngắm con khi ngủ và hôn bé nhiều lần. Giới khoa học vẫn chưa lý giải được điều này, song rất có thể, tình mẫu tử làm cho người mẹ tự hào, cố gắng làm hết sức mình để bé khỏe, ngoan, hay ăn và chóng lớn.