ĂN DẶM KIỂU NHẬT VÀ 6 BÍ MẬT ĐỂ ĐỜI

Thay vì mẹ cứ lăm le ẵm con, đút cho con ăn suốt đến khi con 2–3 tuổi, thậm chí nhiều bé đến 4-5 tuổi vẫn còn phải chờ mẹ đút, phương pháp cho con ăn dặm kiểu Nhật luôn khuyến khích trẻ tự ăn càng sớm càng tốt, đồng thời làm tiền đề cho tác phong tự lập sau này.

Dưới đây là những “bí mật” và kinh nghiệm cho con ăn dặm kiểu Nhật được nhiều mẹ truyền tai nhau. Tham khảo ngay mẹ nha

1. Không quá chú trọng đến lượng ăn

Điều căn bản nhất, cốt lõi nhất của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là không quá chú trọng đến lượng ăn, mẹ không cần phải ép bé ăn nhiều. Thay vào đó, quan tâm đến sự thích thú của con, khiến con thật sự cảm thấy ăn là một điều thích thú, một trò chơi hấp dẫn, kích thích bé khám phá không ngừng. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật tránh cho bé rơi vào tình trạng chán ăn, sợ ăn. Ngược lại, kích thích bé yêu thích bữa ăn, qua đó phát triển cả về tình cảm và trí tuệ của bé.

2. Mẹ phải thật sự kiên nhẫn

Rất nhiều người thích thú trước hiệu quả rõ rệt của những em bé được cho ăn theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật; họ đầy hào hứng thử cho con mình, nhưng sau đó kế hoạch phá sản, thất bại hoàn toàn. Nguyên nhân vì đâu?

Đó chính là người mẹ đã không chuẩn bị tâm lý đủ tốt để áp dụng phương pháp này. Vì vậy, bí mật ở đây là, mẹ phải thật sự kiên nhẫn.

Phương pháp này không phải một ngày, một giờ là thành công được. Nhiều mẹ sốt ruột khi thấy con mình tăng cân chậm, ăn ít hơn so với trẻ cùng tuổi. Thế là chỉ sau vài tuần ăn dặm kiểu Nhật, họ lại quay về phương pháp truyền thống. Tức là cho bé vừa ăn vừa chơi, vừa xem tivi, ép con ăn hết suất, chiều theo những sở thích của con như vừa bế đi rong vừa đút ăn, dẫn đến thất bại. Trong khi đó, nếu nỗ lực theo đến cùng với con phương pháp ăn dặm này, bạn sẽ đỡ cực rất nhiều khi bé lớn lên: Bé hào hứng với chuyện ăn, ăn đa dạng, có phản xạ nhai rất tốt, có thể tự ăn thay vì cứ phải chờ mẹ đút,…

Mẹ phải thật sự kiên nhẫn khi áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Ảnh: Internet

3. Chiếc ghế ăn – rất quan trọng

Một trong những thứ mang tính căn bản của ăn dặm kiểu Nhật chính là chiếc ghế ăn. Với kiểu truyền thống “Việt Nam”, bé hay được mẹ đặt lên bất cứ chỗ nào để ăn, thậm chí bế trên tay đi tới đi lui trong lúc ăn. Song ăn dặm kiểu Nhật đòi hỏi một kỷ luật khác. Mẹ cần cho bé ngồi vào ghế tập ăn ngay khi bé ngồi vững nhằm tạo thói quen ăn uống có kỷ luật, tập trung ăn xong mới làm việc khác. Bằng cách này, ngay từ nhỏ, bé sẽ ý thức được việc ngồi vào ghế (bàn) là đến giờ ăn, chỉ ăn thôi chứ không làm việc khác, ăn xong mới được đi chơi. Những bữa ăn như thế chỉ kéo dài trong khoảng 20 phút là dứt điểm nên rất khỏe cho cả mẹ và bé sau này.

Mẹ nên cho bé ngồi ăn trên ghế từ sớm. Ảnh: Internet

Lưu ý: Không nên để bé làm quen với ghế ăn quá trễ, khi bé đã “lờn” và quen với những thói quen xấu khác như vừa ăn vừa chơi. Vì đến lúc đó, bé sẽ không hợp tác với mẹ dù được đặt vào ghế ăn nữa. Nhiều bé chỉ ngồi 5-10 phút là đứng dậy, trèo lên, đòi ra ngoài.

4. Sự hợp tác từ gia đình

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật có nhiều điểm rất khác biệt so với lối cho ăn truyền thống của người Việt Nam, do đó mẹ dễ gặp phải những bất đồng quan điểm từ những người phụ nữ từng trải khác trong gia đình như bà nội, bà ngoại. Ví dụ như bé sẽ được ăn rất nhạt (bà lại bào “nhạt thế sao ăn được”); bé sẽ không bị ép ăn (bà lại bảo “con nít thì phải ép”); bé sẽ được ăn riêng từng vị (bà lại bảo “con nít thì có phân biệt được vị nào ra vị nào đâu, cứ cho vào xay nhuyễn ra”)… Song đây là một phương pháp khoa học và đáng noi theo.

Mẹ cần phải biết rõ những bất đồng dễ xảy ra này để chuẩn bị tinh thần, cũng như thuyết phục gia đình ủng hộ bạn thay vì cứ một hai chống đối, ngăn cản bạn từ ngày này sang ngày khác.

5. Thường xuyên đổi món mới

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật khuyến khích bé làm quen với những món mới, đa dạng. Để làm điều này, mẹ sẽ không thể xay nhuyễn, nghiền nát và trộn thập cẩm các thứ với nhau thành một hỗn hợp cho con ăn theo kiểu truyền thống. Nguyên tắc ăn dặm kiểu Nhật là: Thường xuyên đổi món mới.

Lưu ý mỗi ngày cho bé thử tối đa 1 món mới, vì nếu cơ thể bé phản ứng, dị ứng sẽ không biết là do thức ăn nào gây nên. Món mới luôn bắt đầu từ 1 muỗng và nên tập ít nhất 2 ngày để xem cơ thể bé có phản ứng gì không.

6. Khuyến khích bé tự ăn

Đây là một “bí mật” quan trọng của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Thay vì mẹ cứ lăm le ẵm con, đút cho con ăn suốt đến khi con 2–3 tuổi, thậm chí nhiều bé đến 4-5 tuổi vẫn còn phải chờ mẹ đút mới chịu ăn thì ở đây, bé sẽ được khuyến khích tự ăn càng sớm càng tốt. Cụ thể, bé 6-7 tháng đã được cho làm quen với một ít bánh khô, loại dễ tan trong miệng để bé tự thực hiện động tác cầm và gặm ăn (chưa có răng vẫn ăn được). Đồng thời mẹ cũng có thể tham khảo một số món ăn bốc tuyệt vời cho bé ăn dặm đã được nhiều mẹ áp dụng.

Đến 8 tháng, bé được tập cho tự uống bằng ống hút. Đến 1 tuổi, bé đã có thể tự cầm cốc (loại dành riêng cho trẻ em, an toàn, không đổ) để uống nước. Suốt quá trình ăn dặm, mẹ chỉ đút bước đầu. Ngay khi bé có dấu hiệu thích cầm thức ăn, cho vào miệng thì mẹ cần khuyến khích để bé tự làm. Có thể cho bé một cái muỗng, một cái chén với chút ít thức ăn tha hồ để bé tự “khuấy” lung tung trong đó như chơi trò chơi. Đến lúc bé quen thuộc, khéo hơn, muốn bốc thức ăn cho vào miệng thì vẫn để bé tự làm, chỉ kiểm soát bé mà thôi.

Mẹ cho bé tự ăn càng nhiều càng tốt. Ảnh: Internet

Khi bé được trên dưới 1 tuổi, cho bé tự ăn càng nhiều càng tốt. Mẹ chỉ cần giữ vững nguyên tắc: Không ngại… dơ, không ngại phải mất thời gian rửa ráy cho bé trước và sau mỗi bữa ăn. Không thấy con quá “vụng về” mà làm giúp cho con luôn. Bằng cách đó, chỉ sau một khoảng thời gian, mẹ sẽ là người được tận hưởng “quả ngọt”: Con của mẹ sẽ thể hiện rõ sự tự lập so với những bé cùng tuổi, có thể tự xúc ăn một mình một cách rất khéo léo và rất thích thú với những bữa ăn do mình tự xúc ăn, chứ không rơi vào tình trạng bị mẹ ép suốt ngày, hò hét cả tiếng đồng hồ để cho bé ăn một chén cơm như cách truyền thống nữa.

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *