Dinh dưỡng năm đầu tiên rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ trong tương lai. Bé bú bao nhiêu sữa một ngày, khi nào bé mới nên bắt đầu ăn dặm? Mẹ cùng tham khảo các cột mốc dinh dưỡng cho bé dưới đây.
Với bé dưới 4 tháng tuổi
Trong khoảng thời gian từ 4-6 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh chỉ cần nạp dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Nếu bé bú mẹ, bạn cần cho bé bú 8 – 12 lần/ ngày (mỗi bữa cách từ 2 – 4 tiếng) hoặc tùy vào nhu cầu của trẻ. Đến 4 tháng nhu cầu của trẻ giảm xuống còn khoảng 4 – 6 bữa/ngày, bù lại bé sẽ bú lượng sữa nhiều hơn.
Ngoài ra, để mẹ có thể tạo ra nguồn sữa tốt và đủ chất cho bé sau này, mẹ có thể tham khảo thêm danh sách 7 thực phẩm giúp sữa mẹ đạt chất lượng tốt nhất.
Nếu bé bú sữa công thức, mẹ có thể chia thành 6 – 8 bữa/ngày, mỗi bữa bé cần 60 – 90ml sữa, tức khoảng 500 – 700ml sữa mỗi ngày.
Ảnh: Internet
Với bé 4 – 6 tháng tuổi
Giai đoạn này trẻ cần nạp khoảng 800 – 1300ml sữa mỗi ngày và bắt đầu chuyển sang ăn dặm. Nếu mẹ cho bé ăn dặm quá sớm có thể bé sẽ bị hóc, hệ tiêu hóa ảnh hưởng vì vẫn chưa phát triển đủ để sẵn sàng.
Trong thời gian này, cục cưng của mẹ đã có một số thành tựu nhất định: cân nặng tăng gấp đôi, kiểm soát tốt đầu và cổ, có thể bộc lộ cảm xúc thích thú với món ăn hay quay đầu đi khi không muốn ăn nữa.
Thực đơn ăn dặm của bé nên bắt đầu bằng món giàu chất sắt như bột dinh dưỡng pha loãng, có thể pha với sữa mẹ hoặc sữa công thức cho bé ăn.
Ban đầu, bé chỉ nên ăn 1 – 2 bữa mỗi ngày với 1 – 2 muỗng bột/ lần. Về sau mẹ có thể tăng lên 3 – 4 muỗng. Một khi bé đã quen với bột ăn dặm, mẹ có thể cho bé thử các loại bột khác nhau có bổ sung chất sắt, nhưng cũng nên để ý xem bé có bị dị ứng với nguyên liệu mới không.
Bên cạnh đó, mẹ cũng đừng quên lưu ý 7 sai lầm khi cho bé ăn bột mà nhiều mẹ bỉm sữa thường xuyên mắc phải để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bé mẹ nhé.
Với bé từ 6 – 8 tháng
Mẹ hãy tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức 3 – 5 lần mỗi ngày, nhưng lượng sữa ngày càng giảm đi khi trẻ có nhiều nguồn ăn dặm hơn.
Mẹ có thể bắt đầu thêm rau củ, trái cây nghiền nhuyễn (khoảng 4 phần một ngày), bắt đầu từ những loại phổ biến: đậu, cà rốt, khoai lang, bí đỏ, chuối, lê, nho … Nên cho bé làm quen với rau củ trước trái cây, vì độ ngọt của trái cây có thể làm bé mất hứng thú với nhiều loại rau củ về sau.
Tuyệt đối tránh cho bé tiếp xúc với những loại trái cây khó nuốt: táo, xúc xích, đậu hạt cùng những món quá mặn hoặc quá ngọt. Thay vào đó những món rau củ luộc chín mềm, xắt nhỏ là sự lựa chọn tuyệt vời của bé.
Bên cạnh đó, mẹ có thể tham khảo danh sách 8 món ăn bốc tuyệt vời cho bé ăn dặm được tổng hợp bởi Góc Làm Mẹ.
Mẹ có thể cho bé ăn dặm bằng rau củ xắt nhỏ khi bé từ 6 đến 8 tháng tuổi. Ảnh: Internet
Với bé 8 – 12 tháng
Nên duy trì cho bé bú sữa 3 – 4 bữa mỗi ngày. Tuy nhiên, mẹ không nên cho trẻ dùng sữa bò để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
Giai đoạn này bé cũng có thể làm quen với thịt, cá đồng nghiền hoặc cắt nhuyễn. Đặc biệt, với bé bú mẹ có thể bắt đầu ăn thịt từ tháng thứ 8 để bổ sung chất sắt.
Xem thêm: Dùng thịt bò cho bé ăn dặm sao cho đúng?
Tăng thêm lượng rau củ quả cho bé lên 3 – 4 muỗng mỗi bữa.
Trứng gà cũng là món thích hợp cho bé, tuy vậy mẹ chỉ nên cho bé ăn lòng đỏ trứng để tránh dị ứng.