Quan niệm của đa phần nhiều mẹ khi mang thai là tỏ ra vui mừng khi mang thai to, vì nghĩ rằng đứa bé sinh ra sẽ nặng cân và khỏe mạnh. Tuy nhiên, thai to có thể đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn thai nhi có cân nặng bình thường.
Thai nặng trên 4kg không hề tốt
Các chuyên gia cho biết, thai nhi từ 2,5kg đến dưới 4kg được coi là bình thường, từ 3 – 3,2kg được coi là lý tưởng. Trọng lượng thai nhi thấp hay cao hơn giới hạn bình thường đều không tốt. Có đến 90% trường hợp trẻ có cân nặng lúc sinh trên 4kg phải đối diện với các vấn đề về sức khỏe, mặc dù rất nhiều trường hợp không phát hiện được.
Nhiều người vẫn quan niệm rằng con to thì sẽ khỏe, nhưng những trẻ sinh ra nặng cân lại chứng minh điều ngược lại bởi sức đề kháng yếu và dễ nhiễm khuẩn. So với trẻ sinh ra có cân nặng bình thường, các bé sinh ra có cân nặng vượt chuẩn thường đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trẻ nặng cân có nguy cơ suy hô hấp rất cao, hay bị ngạt, khiến cuộc sinh gặp
khó khăn. Ảnh: Internet
Mẹ không nên tăng cân quá nhanh
Theo các nghiên cứu, những sản phụ sinh con to thường tăng cân nhanh trong thai kỳ. Đây là yếu tố gây nguy hiểm cho sản phụ. Trong 3 tháng giữa thai kỳ, nhau thai bắt đầu tiết ra một lượng lớn hormone có khả năng tạo ra trạng thái kháng insulin, làm giảm hệ quả điều hòa nồng độ đường trong máu. Hệ quả là nồng độ đường trong máu của người mẹ tăng cao, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ.
Những trường hợp bị tiểu đường thai nghén cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu được điều trị thích hợp có thể giảm đến 50% số trẻ sinh ra nặng cân. Do đó, nếu thấy tăng cân quá nhanh, sản phụ cần được tư vấn kỹ càng của bác sĩ, tuân thủ chế độ ăn cân đối và luyện tập phù hợp.
Mẹ bầu cần làm gì?
Mẹ bầu ăn nhiều tinh bột, đường, ngủ nhiều và ít vận động là những nguyên nhân khiến thai to, em bé sinh ra nặng cân. Vì vậy, mẹ bầu nên tránh nạp nhiều tinh bột, không cố ăn quá nhiều trong một lần. Tốt nhất mẹ bầu nên ăn nhiều bữa trong một ngày với các bữa phụ nhỏ, nhằm giúp cơ thể mẹ và thai nhi hấp thu trọn vẹn các dưỡng chất.
Từ tuần 25 trở đi, mẹ bầu có thể kiểm soát cân nặng của thai nhi và bản thân qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Thông qua thăm khám và siêu âm, bác sĩ sẽ cho biết trọng lượng thai nhi đang ở ngưỡng bình thường, thiếu hay tăng cân nhiều. Qua đó đưa ra lời khuyên cho bạn về chế độ ăn uống phù hợp. Ngoài ra, kiểm tra đường máu để phát hiện bệnh tiểu đường là cần thiết, nhất là trường hợp trọng lượng thai phát triển quá nhanh. Nếu bị tiểu đường thai kỳ, mẹ cần phải tuân thủ nghiêm túc chế độ ăn uống của bác sĩ đề ra.