TẠI SAO KHÔNG BAO GIỜ NÊN ÉP TRẺ CON ĂN?

Thực tế cho thấy, thật không khó để bắt gặp cảnh bao gia đình cứ đến bữa cơm là như tra tấn lẫn nhau. Nhiều nhất là tình cảnh con nhỏ không chịu nuốt bất cứ món gì khiến cả nhà lo lắng vã mồ hôi, mọi người nháo nhào vào dụ dỗ, hết bón lại đút, rồi lại răn đe doạ nạt.

Điều đáng buồn là mọi người không biết hay quên mất đi sự thật là bữa ăn chỉ bổ và tốt cho cơ thể khi cảm xúc duy nhất ta nên gắn với bữa ăn là vui vẻ. Tâm trạng luôn bực dọc, lo lắng, không vui thì món ăn có dinh dưỡng kiểu gì đi nữa, bao tử cũng chẳng thể nào tiêu hoá hấp thụ. Cũng chính vì lẽ đó, truyền thống phương Tây hay cấm gia đình ngồi vô bàn ăn mà “nói chuyện chính trị hay tôn giáo”, do mấy đề tài này nhạy cảm, dễ gây cãi nhau và làm cho không khí của bữa cơm đâm ra khó chịu. Vậy nên, khắc phục chứng biếng ăn của trẻ cũng không ngoại lệ, con nít không thích ăn thì bố mẹ đừng nên ép con, bằng cách nào đi nữa.

Phải thừa nhận một điều, không có gì ngán ngẩm bằng đến thăm một nhà có con nhỏ để rồi cứ tới bữa cơm là thấy cảnh cả nhà chăm chăm vào đứa bé, vo ve như ruồi, hết đút đút bắt ăn, tới làm đủ trò cho nó nuốt. Màn cho đứa bé xem ti-vi, đưa iPad hay iPhone cho con chơi “để nó ăn” gần như là phổ biến. Vừa ăn vừa xem vừa chơi không tốt đã đành, nếu bắt ép con ăn mà không có trò gì trước mặt là bé sẽ khó chịu, khóc lóc, đứa nhỏ không vui vẻ gì, cả nhà chạy theo bé cũng chẳng vui nốt.

Đôi khi chúng ta, bằng cách này hay cách khác sẽ góp ý, bảo thôi kệ nó, trên đời này có con gì đói mà không biết ăn đâu, đói cháu nó sẽ tự khắc ăn, đồ ngon đồ sạch bé khắc ăn, bỏ một bữa là bữa sau đói ngay ấy… là hầu như bố mẹ đứa bé sẽ gạt phắt đi. Lý do luôn đầy rẫy: nào là em không nuôi đứa kén ăn em không biết, nào là con chị không dễ như con người ta, nào là nó còi, nó thua ký bạn cùng lớp; cứ như thể bắt miệng đứa nhỏ nhai trong khi đầu nó bị xao lãng bởi các trò múa may, iPad iPhone không hại gì, hoặc ép con ăn trong lúc nó không muốn, dẫn tới chuyện cả bé lẫn cả nhà không vui thì không hại gì.

 

Con nít không thích ăn thì bố mẹ đừng nên ép con, bằng cách nào đi nữa. Ảnh: Internet

 

Thế nhưng, NGUY HIỂM NHẤT của việc ép trẻ con ăn theo ý nguyện của người lớn là sau này người lớn sẽ không biết cơ thể trẻ nhỏ đang ra làm sao. Chia sẻ về vấn đề này, tác giả của cuốn sách “Ăn gì cho không độc hại” – Pha Lê, đã bộc bạch một câu chuyện có thật mà bất cứ bố mẹ nào nuôi con nhỏ không khỏi giật mình hốt hoảng vì chân lý “ép con ăn cho khoẻ mạnh” của mình:

 

“Tôi có một bà bạn, đã có hai cháu ngoại đứa 6 tuổi đứa 3. Bà chủ trương nuôi chúng theo kiểu không bắt ép, thích thì ăn, không cứ đi chơi, nghiêm khắc chỗ nào chứ ăn uống là bà luôn vui vẻ. Hai thằng cháu của bà đã ngồi vào bàn ăn là như đi hội, đứa anh thời bằng tuổi đứa em có ăn nhiều hơn, nhưng cả hai đứa đều gầy như nhau, khoẻ như voi. Bà hiểu rõ mức ăn bình thường của từng đứa.

Đùng một hôm, thằng em ngồi vào bàn mà lừ đừ, rầu rầu, mệt mệt, ăn ít hơn so với cái sự ăn ít của nó mỗi ngày. Bà với bố mẹ đưa nó vào bệnh viện, khám một hồi lòi ra nó bị bệnh hiểm nghèo, nhưng may quá cả nhà phát hiện rất sớm nên chữa được. Bà thở phào, nói với tôi rằng thật hên, thằng nhỏ nói chưa sõi, nhưng tại cả nhà biết tính nó, biết bản thân nó ăn thế nào là vừa, chơi thế nào là vui, nhiều khi khọt khẹt bệnh mà vẫn vui, nên khi thấy cậu ấm ớ khác thường là bà biết ngay cậu có chuyện.

Khi trẻ tự thấy thích ăn và ăn vui, mọi thứ về cơ thể chúng đều “minh bạch”. Thật sợ những người cứ nói với tôi “con tớ hay ói lắm”, để mà đút nó ăn thêm hòng “bù vào” phần ói ra. Tôi hỏi làm sao biết được nó ói vì bị mình ép ăn hay ói vì bệnh, ói vì thực phẩm bẩn làm bao tử nó phản ứng hay ói vì bất cứ lý do nào khác cần quan tâm? Dĩ nhiên câu trả lời là “không biết”.

Bàn thêm về sự ảnh hưởng của cảm xúc đối với tiêu hoá, nhiều nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học như American Journal of Cardiology và nghiên cứu của các tổ chức tâm lý học cho thấy rằng những cảm xúc (thường là tiêu cực) sẽ khiến bao tử hoạt động không hiệu quả, thậm chí còn gây ra bệnh tim mạch và ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch. Do đó, chúng ta phải nhận thức được rằng việc ăn uống trên tinh thần vui vẻ, dù đó là ăn ít, hay ăn đồ không bổ lắm, vẫn tốt hơn là ăn trong tâm trạng bực bội, sợ sệt, lo lắng, stress, rầu rĩ, khó chịu vì bị bắt, bị ép.

Và tất nhiên, nói luôn dễ hơn làm, đặc biệt khi sự vui vẻ trong bữa cơm cần sự cố gắng của rất nhiều người, nếu không nói là toàn bộ thành viên của gia đình. Tuỳ hoàn cảnh mỗi nhà sẽ có mỗi vẻ khác nhau, cách giải quyết cũng tuỳ hoàn cảnh và không có một lời khuyên riêng cho bất kì ai. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là những căng thẳng, bực bội của việc “sao con ăn không lên ký” của nhiều mẹ là những căng thẳng không đáng có, không nên có, không cần có mà từ chính bố mẹ suy diễn ra. Thế nên, muốn con khoẻ mạnh, cứ cả nhà cùng vui trước đã bố mẹ nhé!

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *